NUÔI TÔM MÙA MƯA VÀ CÁCH KHẮC PHỤC

NUÔI TÔM MÙA MƯA VÀ CÁCH KHẮC PHỤC.

Nuôi tôm trong mùa mưa thường gặp phải những vấn đề gì, tác động của nước mưa đến môi trường ao nuôi ra sao, tác động của nhiệt độ lên các yếu tố thủy lý thủy hóa như thế nào và ảnh hưởng đến sức khỏe tôm như thế nào? Cách khắc phục để hạn chế tối đa thiệt hại cho người nuôi.

Với bài viết này chúng tôi xin chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực giúp bà con nuôi tôm khắc phục tối đa những hạn chế trong mùa mưa để đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.


ẢNH HƯỞNG TRỰC TIẾP VÀ GIÁN TIẾP

- Khi mưa môi trường ao nuôi sẽ được bổ sung một lượng nước mưa đáng kể và nhiệt độ thấp hơn môi trường gần 50C. Sự pha loãng nước đó làm giảm độ mặn, giảm các ion trong nước sẽ dẫn đến giảm độ cứng, độ kiềm và độ pH nước.

- Sự thay các yếu tố khác liên quan đến mưa bao gồm sự gia tăng chất rắn lơ lửng do sự rửa trôi từ đất bờ ao. Sự ảnh hưởng đó làm tăng độ đục của nước và hạn chế đến sự phát triển của tảo(do thiếu ánh nắng mặt trời) dẫn đến tảo rớt đột ngột gây ra các vấn đề phát sinh bệnh cho tôm khi nuôi.

- Mưa cũng làm cho sự phân tầng nhiệt độ và phân tầng độ mặn rất lớn.

- Quan sát thực tế hằng ngày sẽ thấy biến động các yếu tố sau:

+ Tảo giảm đột ngột ngay sau khi mưa hoặc đang mưa.
+ Hàm lượng oxy hòa tan xuống thấp
+ Độ pH giảm và biến động trong ngày.
+ Hoạt động của tôm sẽ chậm chạp, ăn kém hơn.
+ Tôm sẽ dễ nhiễm bệnh do vi khuẩn, nhiểm nguyên sinh động vật bám( Đối với ao nuôi truyền thống), nhiễm nội ngoại ký sinh trùng.
+ Các loại khí độc ở nền đáy tăng cao như H2S, NH3, NO2 v.v.
+ Độ mặn và độ cứng của nước sẽ giảm và phân tầng rõ rệt.

CÁC KHUYẾN CÁO.

TRƯỚC VÀ TRONG KHI MƯA.

Nên dọn dẹp quanh bờ ao thật sạch sẽ, đặt xung quanh bờ ao các bao vôi CaCO3( Khoảng 500kg/ha) để nước mưa hòa tan CaCO3 vào môi trường giúp duy trì độ pH, độ cứng

Sửa chữa bờ ao, các hệ thống thoát nước để khi mưa nước thoát nhanh ra khỏi ao.

Xả nước tầng mặt, mở máy quạt nước, mở máy tạo oxy để cung cấp oxy nền đáy cho tôm.

Giảm lượng thức ăn khoảng 30% và có thể giảm thêm nếu cần thiết.

SAU KHI MƯA

Bổ sung khoáng Canxi, Kali, Magie vào môi trường để giúp tôm tạo vỏ và cứng vỏ nhanh.

Bổ sung Men vi sinh để làm sạch môi trường, để hạn chế vi khuẩn có hại gây bệnh cho tôm.

Bổ sung vào thức ăn các Vitamin, Khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm.

Tăng cường chạy quạt, máy sục khí để cung cấp oxy đầy đủ cho tôm.

KẾT LUẬN

Khi nuôi tôm trong mùa mưa, dưới tác động của nước mưa sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tôm cũng như các yếu tố môi trường. Tùy theo lượng mưa to hay nhỏ, lượng nước mưa nhiều hay ít mà người nuôi đưa ra những biện pháp hợp lý để quản lý môi trường nước ao nuôi cho thích hợp, tránh gây thiệt hai về kinh tế cho người nuôi.

Vì khi mưa to có thể dẫn đến tôm lột xác khó khăn, tôm ăn nhau, thiếu oxy tầng đáy, tích tụ nhiều loại khí độc, thiếu các muối khoáng v.v.