BỆNH ĐÓNG RONG HAY MẢNG BÁM
BỆNH ĐÓNG RONG HAY MẢNG BÁM
Bệnh có dấu hiệu các sinh vật (các động vật nguyên sinh và tảo lam) bám vào chân, mắt, vỏ giáp thành một lớp lông tơ có màu đen (thấy rõ dưới kính hiển vi). Tôm bị bệnh thường tách đàn nổi lên mặt nước bơi lờ đờ hay bám thành bờ, phản ứng chậm chạp, kém ăn, không lột xác được. Bệnh nặng, các sinh vật bám phát triển bám vào mang làm tôm không hô hấp được, tôm bị thiếu ôxy làm tôm chết.
Bệnh đóng rong ở tôm xảy ra khi nước ao bẩn, có nhiều tảo bám, nhiều nguyên sinh động vật (trùng loa kèn) nên phải áp dụng các biện pháp như duy trì độ trong thích hợp, ổn định tảo trong ao, tăng cường thay nước sạch (10-20% nước/lần) để làm giảm sinh vật bám trong ao, cải thiện môi trường. Tăng cường quạt nước để tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi, cho ăn đúng mức để tránh ô nhiễm đáy ao. Vớt tảo nổi trên bề mặt, xử lý nước ao bằng chế phẩm vi sinh để hấp thu khí độc NH3 và phân hủy chất hữu cơ, hạn chế sự phát triển của tảo. Bổ sung VitaminC vào thức ăn để giúp tôm giảm stress, tăng sức khỏe cho tôm. Thay nước hoặc dùng Saponin 10-15g/m3 tạt khắp ao giúp tôm lột xác đồng đều, nếu tỷ lệ tôm nhiễm bệnh cao có thể sử dụng hóa chất diệt bớt sinh vật bám như formol(25ml/m3) hoặc CuSO4.
ÁP DỤNG BIỆP PHÁP PHÒNG CHUNG TRONG QUÁ TRÌNH NUÔI.
– Nguồn nước đưa vào ao nuôi phải được xử lý mầm bệnh. Nguồn nước thải của các ao nuôi nhất là trong mùa dịch bệnh cần đưa vào ao xử lý để tiêu diệt mầm bệnh (Chlorine 30 ppm) và giữ ít nhất 4 ngày trước khi thải ra ngoài môi trường.
– Sử dụng con giống sạch đã qua kiểm dịch và xét nghiệm.
– Duy trì các yếu tố môi trường thuận lợi cho sự phát triển của tôm nuôi, không để hiện tượng ô nhiễm hữu cơ xảy ra trong ao, giữ sạch đáy ao.
– Sử dụng định kỳ các chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng của tôm.
– Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách trộn chung các loại vitamin và khoáng chất nhất là vitamin C và β – glucan cho vào thức ăn tôm thẻ chân trắng.
– Theo dõi tình trạng sức khỏe của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Mỗi dịch bệnh trong danh sách các bệnh thường gặp ở tôm thẻ chân trắng đều có cách phòng và trị khác nhau nên bà con cần theo dõi sát sao tình hình tôm để kịp thời phát hiện ra các triệu chứng và đưa ra các cách xử lí kịp thời.