BỆNH PHÂN TRẮNG VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA
NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA CHUNG.
Bệnh này do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu sau: do vi khuẩn, do ký sinh trùng, do yếu tố môi trường, trong đó tác nhân chủ yếu là vi bào tử thuộc giống Plexstophora và vi khuẩn thuộc giống Vibrio.
Ở miền Bắc, bệnh thường xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 7; trong đó nhiều nhất vào tháng 5, tháng7. Ở miền Trung, bệnh xuất hiện rải rác. Ở miền Nam, bệnh tập trung từ tháng 8 đến tháng 10.
Bệnh thường xuất hiện trong mùa nắng nóng, nhiệt độ nước cao, mật độ nuôi cao. Tôm dễ bị bệnh khi nuôi được từ 40 đến 90 ngày. Đặc biệt bệnh thường xuất hiện khi thời tiết bất thường (nắng nóng, mưa kéo dài hoặc khi thời tiết thay đổi).
Bệnh xuất hiện cả trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Khi tôm bị bệnh, kiểm tra sàn/nhá/vó sẽ thấy phân tôm màu trắng trên sàn ăn hoặc nổi trên mặt nước dọc bờ ao, góc ao(cuối hướng quạt nước, cuối hướng gió).
Tôm bị phân trắng sẽ giảm ăn hoặc ăn không tăng theo tuổi. Kiểm tra tôm sẽ thấy ruột tôm không đầy thức ăn, có những đốm màu vàng cát ở phần cuối ruột. Tôm bị óp, vỏ mỏng, teo nhỏ dần và chậm lớn.
Để phòng ngừa bệnh này, cần phải chuẩn bị ao nuôi sạch sẽ ngay từ đầu, không sử dụng thức ăn bị mốc, hạn chế sử dụng thức ăn tươi. Trong quá trình nuôi quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường. Thay nước định kỳ và sử dụng hóa chất diệt khuẩn sẽ giúp hạn chế bệnh phân trắng, đặc biệt trong những thời điểm nắng nóng, mưa kéo dài.
Tăng cường men vi sinh tiêu hóa, giúp tôm hấp thụ thức ăn tốt hơn, bổ sung vitaminvà khoáng chất giúp tôm tăng cường sức khỏe và giảm căng thẳng (stress). Đối với những con tôm bị chết phải vớt ra khỏi ao để tránh tình trạng bệnh lây lan do tôm khỏe ăn tôm bệnh. Nên định kỳ PRAZI-S để phòng ngừa và trị bệnh phân trắng cho tôm.
Nhìn chung tất cả các bệnh nên áp dụng biện pháp phòng chung để tránh rủi ro và tránh gây thiệt hai kinh tế cho người nuôi.
– Nguồn nước đưa vào ao nuôi phải được xử lý mầm bệnh. Nguồn nước thải của các ao nuôi nhất là trong mùa dịch bệnh cần đưa vào ao xử lý để tiêu diệt mầm bệnh (Chlorine 30 ppm) và giữ ít nhất 4 ngày trước khi thải ra ngoài môi trường.
– Sử dụng con giống sạch đã qua kiểm dịch và xét nghiệm.
– Duy trì các yếu tố môi trường thuận lợi cho sự phát triển của tôm nuôi, không để hiện tượng ô nhiễm hữu cơ xảy ra trong ao, giữ sạch đáy ao.
– Sử dụng định kỳ các chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng của tôm.
– Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách trộn chung các loại vitamin và khoáng chất nhất là vitamin C và β – glucan cho vào thức ăn tôm thẻ chân trắng.
– Theo dõi tình trạng sức khỏe của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Mỗi dịch bệnh trong danh sách các bệnh thường gặp ở tôm thẻ chân trắng đều có cách phòng và trị khác nhau nên bà con cần theo dõi sát sao tình hình tôm để kịp thời phát hiện ra các triệu chứng bệnh và đưa ra các cách xử lí kịp thời.